(ĐTCK) Từ khi cổ đông lớn Becamex công bố thoái bớt vốn khỏi Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BWE), giá cổ phiếu của BWE đã tăng từ 18.000 đồng/CP cuối năm 2018 lên gần 30.000 đồng/CP hiện nay. 

Becamex giảm tỷ lệ sở hữu tại BWE từ mức chi phối xuống 25% trong quý I/2019, bằng hình thức giao dịch qua sàn. Việc thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước một cách dứt khoát đã làm tăng sức hấp dẫn của BWE và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

ADVERTISEMENT

Ðáng chú ý, một số cổ phiếu khác có tỷ lệ sở hữu của Becamex ở mức cao cũng tăng giá, với kỳ vọng tổng công ty này sẽ sớm thoái vốn. Chẳng hạn, cổ phiếu IJC của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật có thời gian dài được giao dịch quanh mức 8.000 đồng/CP đã tăng lên 12.000 đồng/CP trong vòng hơn 1 tháng qua, kèm theo thanh khoản sôi động. Becamex đang sở hữu hơn 78% cổ phần IJC.

Cổ phiếu TDC của Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển Bình Dương (TDC), giá và thanh khoản thời gian gần đây cũng đều tăng. Các cổ đông TDC được xác nhận có chủ trương thoái vốn của Nhà nước.

Ads by AdAsia

IJC và TDC là hai công ty sở hữu quỹ đất lớn tại Bình Dương lên niêm yết từ nhiều năm trước, nhưng giá cổ phiếu luôn dưới mệnh giá vì không có hoạt động gì nổi bật. Hoạt động kinh doanh theo chủ trương của công ty mẹ Becamex chỉ đủ để trả cổ tức cho cổ đông. Ðây giống như hai công cụ giữ đất của Becamex, vì thế việc thoái vốn ở hai công ty này sẽ không đơn giản như thoái vốn ở BWE. Phương thức, tỷ lệ thoái vốn như thế nào vẫn chưa có thông tin cụ thể, mà mới dừng ở chủ trương.

Mặc dù vậy, giá và thanh khoản của các cổ phiếu bật tăng khi có câu chuyện thoái vốn nhà nước cho thấy, dòng vốn trên thị trường luôn tìm kiếm các địa chỉ đầu tư hấp dẫn, các công ty có câu chuyện hay. Cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông BWE vừa qua đã thu hút hàng chục công ty chứng khoán và đại diện quỹ đầu tư đến tham dự để tìm hiểu về tiềm năng tăng trưởng của Công ty. Ðại hội đồng cổ đông của IJC hay TDC tới đây được dự báo sẽ là điểm nóng thu hút đội ngũ chuyên viên phân tích đầu tư.

Tất nhiên, không phải doanh nghiệp bất động sản nào mà Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn cũng hấp dẫn, nếu tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ vẫn còn cao và đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp không đủ mạnh để điều hành doanh nghiệp theo hướng độc lập.

Từ tỷ lệ cổ phần 80 hay 60%, nếu cổ đông nhà nước giảm sở hữu xuống dưới tỷ lệ phủ quyết 35%, thì cổ đông bên ngoài có điều kiện thuận lợi để tham gia quản trị, định hướng chiến lược doanh nghiệp. Nếu không, khoản đầu tư cũng chỉ là đầu tư tài chính đơn thuần, chứ không thể trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Việc các quỹ đầu tư nước ngoài thoái vốn khỏi Tổng công ty Idico - “ông lớn” khu công nghiệp, với mức giá xấp xỉ mức giá bình quân trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (23.900 đồng/CP), tức thoái vốn ở mức hòa vốn hoặc lỗ nhẹ cho thấy, sau 1 năm tham gia đầu tư vào tổng công ty này, nhà đầu tư đã quyết định không lựa chọn đồng hành cùng Idico, cho dù Nhà nước có chủ trương tiếp tục thoái vốn.

Trong đợt thoái vốn tiếp, Idico có hấp dẫn hay không là dấu hỏi với công chúng đầu tư. Trong khi đó, tại Bình Dương, Quỹ Dragon Capital vẫn đang thực hiện đầu tư thăm dò Becamex, hay công ty con IJC, với mức đầu tư khiêm tốn.

Liệu các công ty bất động sản ở Bình Dương nêu trên có thực sự tiềm năng như vẻ bề ngoài? Thời gian sẽ trả lời. Nhưng trước mắt, dòng tiền đổ vào các cổ phiếu có chủ trương thoái vốn Nhà nước cho thấy, dù trên sàn chứng khoán đang có hàng ngàn mã cổ phiếu nhưng thị trường vẫn “khát” cơ hội đầu tư, nhất là cơ hội mua lớn.

Người quan sát